Theo đó, UBND tỉnh giao cho Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Tài chính, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, UBND huyện Nhơn Trạch cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, rà soát các hồ sơ quy hoạch, hồ sơ dự án, xây dựng kế hoạch đầu tư thay phà Cát Lái.
Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông Vận tải dự kiến các mốc thời gian chính thức như: Cập nhập quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu khả thi, giải phóng mặt bằng, khởi công…,tham mưu đề xuất dự thảo văn bản trình UBND tỉnh trình gửi UBND TPHCM để làm cơ sở thống nhất, phối hợp triển khai. Kết quả thực hiện, cần báo cáo UBND tỉnh trước ngày 18/5/2024.
Trước đó, hồi đầu tháng 4/2024 UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn gửi UBND tỉnh Đồng Nai về kế hoạch triển khai đầu tư cầu thay phà Cát Lái. Theo đó, để tăng cường kết nối giao thông liên vùng, TP.HCM và tỉnh Đồng Nai đã thống nhất bổ sung các vị trí cầu kết nối giữa hai địa phương qua sông Đồng Nai.
Các cây cầu này bao gồm cầu Cát Lái, cầu kết nối TP Thủ Đức với xã Tam An, huyện Long Thành và cầu kết nối khu Nam TP (đường Hoàng Quốc Việt) với huyện Nhơn Trạch.
Đối với dự án đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái, UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất thời gian triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025. Hiện tỉnh đang tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Theo UBND TP.HCM, cầu thay phà Cát Lái là dự án có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, vượt sông Đồng Nai với tĩnh không thông thuyền (55m x 256m). Phần đường dẫn phía TP.HCM có chiều dài khoảng 2km, khối lượng giải phóng mặt bằng dự án rất lớn. Để thực hiện cầu này dự kiến cần 4 – 5 năm.
TP.HCM đang tổ chức lập các đồ án quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Trong đó bao gồm việc cập nhật các phương án cầu kết nối TP.HCM với tỉnh Đồng Nai.
Vì vậy, UBND TP.HCM đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch đầu tư cầu thay phà Cát Lái. Dự kiến các mốc thời gian chính như: cập nhật quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi, giải phóng mặt bằng, khởi công…
Bên cạnh đó là các nội dung phối hợp giữa hai địa phương để làm cơ sở thống nhất triển khai thực hiện. TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Đồng Nai trong quá trình nghiên cứu đầu tư dự án, đảm bảo đồng bộ và phát huy hiệu quả đầu tư.
Cầu Cát Lái mới được kỳ vọng sẽ giảm tải cho cầu Đồng Nai và cầu Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện Nhơn Trạch – huyện có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam với 9 khu công nghiệp đang hoạt động. Đây còn được xem là điểm kết nối giữa TP. HCM và sân bay Long Thành khi sân bay này dự kiến hoạt động năm 2025. Ngoài ra, Nhơn Trạch cũng được định hướng trở thành thành phố, đô thị loại 2 vào năm 2030.
Hiện nay, trên địa bàn Nhơn Trạch có nhiều khu đô thị lớn, quy mô như Angel Island (204,7 ha), Swanbay (464,5 ha), Swan Park (1.000 ha)… Hay mới đây nhất, dự án Ecovillage SaiGon River hay còn được gọi là Ecopark Nhơn Trạch cũng rầm rộ đổ bộ ra thị trường. Đây là dự án có quy mô hơn 55 ha với đa dạng sản phẩm như: biệt thự, nhà phố và khu khách sạn…Khi cầu Cát Lái được xây dựng sẽ giúp kết nối giao thông từ các khu đô thị lớn này vào trung tâm TPHCM.