PQR – Người dân Sài Thành không còn xa lạ với tòa nhà tráng lệ 9 tầng, màu trắng ngà, mang kiến trúc Pháp, tọa lạc trên quảng trường Lam Sơn ngay giữa quận 1 trung tâm thành phố. Có thể nói, từ thời điểm đưa vào sử dụng cuối năm 2005, khách sạn Park Hyatt Sài Gòn đã nhanh chóng được ngồi ‘chiếu trên’ trong hàng ngũ những khách sạn 5 sao tốt nhất của thành phố hoa lệ nhất Việt Nam.
Từ TP.HCM, đi ngược ra phía bắc đến thành phố du lịch Đà Nẵng, xuất hiện thêm một địa danh nghỉ dưỡng & spa 5 sao khác cùng mang thương hiệu Hyatt là Hyatt Regency Đà Nẵng
Được xây dựng năm 2008, nằm trên diện tích 20 ha, khu resort do Tập đoàn Indochina Land xây dựng tại bãi biển Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, hoàn thành vào năm 2010.
Cả hai địa điểm nghỉ dưỡng cao cấp nói trên là những dấu chân của Tập đoàn Hyatt – được điều hành bởi gia tộc Pritzker.
Park Hyatt Sài Gòn có chủ đầu tư là Công ty Khách sạn Grand Imperial Sài Gòn (GISH) và chọn Tập đoàn Hyatt làm quản lý. GISH là liên doanh thành lập năm 1994 giữa Công ty Radiant Investment Limited – RIL (Malaysia, trước đây được gọi là PHB) cùng với United Concord International (UCI) và Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (tên cũ là Công ty Xây lắp công nghiệp). Hyatt Regency Đà Nẵng có chủ đầu tư là Tập đoàn Indochina Land. |
Hyatt: Bành trướng bởi cha…
Khách sạn Hyatt đầu tiên của tập đoàn khách sạn Hyatt được thành lập vào ngày 27/9/1957 bởi Jay Pritzker – đời thứ 3 của dòng họ danh tiếng Pritzker, bằng việc mua nhà trọ Hyatt gần sân bay quốc tế Los Angeles.
Hơn một thập kỷ sau, hai anh em Jay và Donald Pritzker cùng các thành viên trong gia đình đã phát triển công ty thành một hệ thống sở hữu và quản lý chuỗi khách sạn phát triển nhanh nhất ở Bắc Mỹ.
Năm 1969, Hyatt mở khách sạn đầu tiên ở ngoài biên giới nước Mỹ với dự án Hyatt Regency Hong Kong (sau này bị đóng cửa vào năm 2005 và xây mới thay thế vào năm 2009).
Năm 1972, Hyatt thành lập công ty con để vận hành chuỗi khách sạn và casino Four Queens và Hyatt Lake Tahoe. Sau khi Hyatt đã trở thành một công ty tư nhân trong năm 1979, Elsinore đã được tách ra thành một công ty đại chúng. Công ty mở thêm một liên doanh với Playboy Enterprises, mang tên Playboy Hotel & Casino.
Năm 1980, Hyatt giới thiệu 2 thương hiệu khách sạn cao cấp Grand Hyatt và Park Hyatt. Cùng năm đó, khu nghỉ dưỡng cao cấp Hyatt Regency Maui cũng được mở cửa, bước đầu hình thành thương hiệu Hyatt Regency.
Năm 1999, sau khi Jay Pritzker qua đời, con trai ông là Thomas Pritzker lên nắm quyền dưới áp lực nặng nề khi phải quản lý và điều hành hệ thống khổng lồ bao gồm: chuỗi khách sạn Hyatt 15 tỉ USD, tập đoàn công nghiệp Marmon Group 6,3 tỉ USD, hãng tín dụng TransUnion 1 tỉ USD cùng lãnh thổ bất động sản đô thị mênh mông trên đất Mỹ.
Tìm hiểu thêm về Lịch sử hình thành thương hiệu Park Hyatt để trở thành “Top 10 thương hiệu khách sạn lớn nhất thế giới”: tại đây
… và thống nhất nhờ con
Ưu tiên hàng đầu của Thomas Pritzker chính là chuỗi khách sạn Hyatt. Tập đoàn Hyatt sở hữu và điều hành chuỗi khách sạn quốc tế Hyatt, quản lý một số khách sạn khác qua các hợp đồng dài hạn ký kết với các chủ đầu tư, và nhượng quyền kinh doanh thương hiệu (franchise) cho một số khách sạn khác nữa.
Khi đó, Hyatt là một mớ bòng bong và Thomas phải mất 2 năm trời để hoàn tất 55 hợp đồng sáp nhập, tạo thành một tập đoàn khách sạn thống nhất toàn cầu vào năm 2004 với tên Global Hyatt.
Trước ngày 30/6/2004, Hyatt Corporation, chủ yếu quản lý các khách sạn ở Bắc Mỹ và các công ty nhượng quyền, thuộc sở hữu bởi Tập đoàn H (H Group Holding – HG) của gia tộc Pritzker. Ngoài sở hữu Hyatt Corporation, HG còn sở hữu các doanh nghiệp liên quan khác ở Bắc Mỹ (chủ yếu là doanh nghiệp kinh doanh khách sạn và khu nghỉ dưỡng).
Sau tháng 6/2004, hầu hết các tài sản do gia tộc Pritzker sở hữu, bao gồm Hyatt Corporation và Hyatt International Corporation, đều được hợp nhất thành một thực thể duy nhất.
Ngày 4/8/2004, Global Hyatt được thành lập tại Delaware và sau đó đổi tên thành Global Hyatt Corporation. Ngày 30/6/2009, tập đoàn đổi tên thành Hyatt Hotels Corporation (Tập đoàn khách sạn Hyatt).
Tập đoàn Hyatt niêm yết trên sàn chứng khoán New York với mã ‘H’ từ ngày 5/11/2009. Việc ra đại chúng là kết quả sự tan rã của đế chế gia đình Pritzker. Thomas và các anh em họ Penny và Nicholas đã buộc phải giành quyền kiểm soát các doanh nghiệp gia đình khi họ và các thành viên khác trong gia đình đã bị kiện bởi anh em họ Liesel Pritzker và đòi bồi thường hơn 6 tỷ USD.
Ngày 1/9/2011, Hyatt mua chuỗi khách sạn Hotel Sierra gồm 18 khách sạn tại 10 tiểu bang (Mỹ). Cùng với các khách sạn Hyatt Summerfield Suites, nhiều trong số đó đã được đổi tên thành Hyatt House vào tháng 1/2012.
Tính đến 31/12/2012, tập đoàn Hyatt sở hữu danh mục đầu tư hơn 500 khách sạn và khu nghỉ dưỡng với hơn 135 nghìn phòng tại 46 quốc gia trên toàn cầu. Các thương hiệu con bao gồm: Park Hyatt, Andaz, Grand Hyatt, Hyatt, Hyatt Regency, Hyatt Place, Hyatt House (thường được biết dưới cái tên Hyatt Summerfield Suites và Hotel Sierra), Hyatt Residence Club.
Tại Việt Nam, Hyatt có 1 khách sạn Park Hyatt Sài Gòn (TPHCM) và 1 khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency Đà Nẵng (Đà Nẵng). Park Hyatt Sài Gòn nhiều năm liền được xếp hạng trong danh sách các khách sạn tốt nhất thế giới do độc giả của tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Travel + Leisure bình chọn.
Một trong những gia tộc giàu có và quyền lực nhất nước Mỹ
Gia tộc Pritzker là một trong những gia đình giàu có nhất nước Mỹ xuất hiện trong danh sách của Forbes từ năm 1982. Nhiều thành viên trong gia tộc này cũng xuất hiện trong bảng xếp hạng 400 người giàu nhất thế giới của Forbes hàng năm.
Ngoài việc sở hữu chuỗi khách sạn Hyatt, gia tộc này còn nắm trong tay tập đoàn kinh tế Marmon Group, hãng tín dụng TransUnion, ngân hàng Superior Bank of Chicago, công ty thuốc lá Conwood, và hãng tàu Royal Caribbean.
Gia tộc Pritzker thành lập bởi cụ cố Jacob Pritzker (1831–1896) là người do thái nhập cư từ Ukraine vào Mỹ và sáng lập hãng luật Pritzker&Pritzker. Phát triển nhờ ông nội A. N. Pritzker (1896 –1986), hoàn thiện nhờ người cha Jay Pritzker và hiện đang được lèo lái bởi Thomas Pritzker, dòng họ Pritzker nổi tiếng nhờ đầu tư thông minh.
Gia đình Pritzker thường mua bất kỳ công ty nào, thuộc bất kỳ ngành công nghiệp nào, nếu như thấy có bất kỳ lợi nhuận nào.
Tập đoàn Marmon Group có trụ sở tại Chicago, Illinois, Mỹ. Tập đoàn sở hữu các công ty sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị công nghiệp, thiết bị giao thông vận tải, cung cấp dịch vụ bao gồm xây dựng và các giải pháp bán lẻ.
Trong 50 năm điều hành, Jay Pritzker và anh em họ của mình đã mua đi bán lại hơn 200 công ty và tài sản của gia tộc đã bành trướng thành một doanh nghiệp hoạt động ở 40 quốc gia với hơn 100.000 nhân viên.
Năm 1953, hai anh em Jay Pritzker và Robert Pritzker đã mua công ty Colson Corporation. Tên công ty đổi thành Tập đoàn Marmon vào năm 1964 sau khi mua lại Marmon-Herrington. Các thương vụ mua lại lớn khác của tập đoàn sau đó là Cerro Corporation năm 1976 và TransUnion năm 1981.
Dòng họ Pritzker là nhà tài trợ cho Giải thưởng kiến trúc Pritzker, giải thưởng thường niên của quỹ Hyatt để vinh danh một kiến trúc sư còn sống với những đóng góp của họ. Giải thưởng Pritzker được Jay A. Pritzker lập ra từ năm 1979 và là giải thưởng cao quý nhất trên thế giới về kiến trúc, được xem như giải Nobel của kiến trúc.
Năm 1999, Jay Pritzker – bộ óc chiến lược của tập đoàn gia đình qua đời, bộ máy khổng lồ mang tên Hyatt và Marmon được chuyển giao cho Thomas Pritzker.
Năm 2007, gia tộc nhà Pritzker đã bán 60% cổ phần của tập đoàn Marmon cho quỹ đầu cơ Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett.
Năm 2011, toàn bộ tài sản gia tộc được chia phần hết cho những ai có quyền thừa kế. Trọng trách tổ toàn bộ cấu trúc điều hành và hoạt động kinh doanh trở thành trách nhiệm nặng nề của Thomas Pritzker.
Xem thêm: Park Hyatt Phú Quốc – Dự án Biệt thự siêu sang Phú Quốc của Tập đoàn Hyatt tại Phú Quốc