Hơn 2 tháng sau phiên họp đầu tiên, Ban chỉ đạo Quốc gia về xây dựng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ nhóm họp lần hai.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu), Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Nội vụ về việc chuẩn bị nội dung họp lần thứ 2 của Ban.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng ban chỉ đạo đề nghị các thành viên của Ban báo cáo các công việc thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành, đơn vị mình; đề xuất giải pháp thực hiện các nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách, gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Nội vụ trước ngày 2/7.
Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ tổng hợp ý kiến thành viên Ban chỉ đạo, ý kiến của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và chuẩn bị báo cáo các vấn đề liên quan đến nội dung đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trước ngày 5/7.
Hôm qua 2/7, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, ông Nguyễn Đức Long – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm.
Hiện trong dự thảo báo cáo tổng kết 3 năm thi hành Luật tổ chức chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ đề xuất cấp có thẩm quyền sớm ban hành Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt theo hướng quy định các thể chế, cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội cả về hành chính và kinh tế, đảm bảo đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; khai thác tốt nhất những tiềm năng, lợi thế của các khu vực dự kiến thành lập đặc khu nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển.
Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đặc khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý dự án Luật theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm.
Đồng thời, để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự án Luật này tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm theo quy trình xem xét, thông qua dự án Luật tại ba kỳ họp.
Ngày 11/6, Quốc hội biểu quyết đồng ý lùi dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt với hơn 85% đại biểu tán thành.
Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu) được thành lập tháng 1/2018, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban, có nhiệm vụ chỉ đạo phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng liên quan đến các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Ban có 5 cấp phó và 29 thành viên, trong đó có nhiều lãnh đạo các bộ ngành và địa phương; phiên họp đầu tiên của Ban diễn ra vào ngày 28/4.
Nguồn: vnexpress.net