PQR – Cùng chung với làn sóng thu hút đầu tư vào các khu kinh tế và khu công nghiệp đang phát triển mạnh trên cả nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương, Kiên Giang đang kiến nghị Chính phủ sẽ ban hành những chính sách mới phù hợp nhằm tạo động lực cho tỉnh phát triển. Đặc biệt, Kiên Giang cũng đề xuất Chính phủ cho thành lập thành phố Phú Quốc để Phú Quốc có thể phát triển mạnh hơn nữa.

Đề xuất Chính phủ cho thành lập thành phố Phú Quốc nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa'
Kiên Giang đề xuất Chính phủ cho thành lập thành phố Phú Quốc.

Bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết:

“Kiên Giang hội tụ rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và xã hội. Tỉnh được thiên nhiên ưu đãi vô cùng đa dạng về tài nguyên khí hậu, thời tiết, tài nguyên biển đảo, tài nguyên rừng, tài nguyên đất…

Kiên Giang cũng có nhiều tiềm năng và lợi thế kinh tế phong phú, đa dạng như: kinh tế biển; kinh tế du lịch; kinh tế nông – lâm nghiệp…; trong đó, kinh tế biển là thế mạnh chính, giúp khai thác các lợi thế vốn có của tỉnh.

Bên cạnh đó, kinh tế nông nghiệp cũng là lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, đang được phát triển theo định hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, giá trị cao.

Vì vậy, việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp có những ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh, góp phần làm gia tăng giá trị các sản phẩm nông, thủy sản và góp phần hình thành nên chuỗi giá trị sản phẩm… nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng sẵn có.

Hiện tỉnh Kiên Giang đã quy hoạch 5 khu công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp, nhất là về công nghiệp chế biến.

Bên cạnh đó, Kiên Giang cũng là tỉnh đã được áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi ở mức cao nhất theo các quy định của Chính phủ và tỉnh cũng đã tích cực triển khai áp dụng các chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Song song đó, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở ngoài hàng rào khu công nghiệp, nhất là về hạ tầng giao thông cũng được tỉnh quan tâm đầu tư và góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng mọi yêu cầu đầu tư.

Đến nay, tỉnh Kiên Giang đã thu hút được 18 dự án vào Khu công nghiệp Thạnh Lộc; trong có có 8 dự án đã đi vào hoạt động với nhiều dự án có quy mô lớn như: Nhà máy bia Sài Gòn – Kiên Giang; Nhà máy chế biến gỗ MDF VRG Kiên Giang; dự án xây dựng nhà máy giày dép xuất khẩu TBS Kiên Giang…, giúp giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tỉnh Kiên Giang cũng đang thực hiện các thủ tục đầu tư cho giai đoạn 2 của Khu công nghiệp Thạnh Lộc để đáp ứng các nhu cầu đầu tư vào tỉnh”.

Thực tế trong thời gian qua đã xảy ra việc một số địa phương “xé rào” nhằm “trải thảm đỏ” và lôi kéo các nhà đầu tư vào địa phương mình hoặc tại một số địa phương vẫn thu hút đầu tư bằng mọi giá dẫn đến xảy ra ô nhiễm môi trường, dự án kém hiệu quả.

Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là hai nhiệm vụ quan trọng. Có những nơi, có những thời điểm vì phát triển kinh tế mà bỏ qua việc bảo vệ môi trường dẫn đến nhiều hệ lụy.

Tỉnh Kiên Giang luôn giữ vững mục tiêu của mình, định hướng phát triển kinh tế nhanh và thật sự bền vững; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, cũng như coi trọng quản lý và bảo vệ tài nguyên, môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên…

Đến nay, tỉnh Kiên Giang hiện đã có 680 dự án đầu tư trong nước, 49 dự án đầu tư tại nước ngoài, với hơn 350 dự án đang hoạt động; trong đó Phú Quốc có 299 dự án đăng ký đầu tư và 46 dự án đưa vào hoạt động,… theo định hướng phát triển đảo Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và dịch vụ quốc tế chất lượng cao của khu vực và thế giới.

Riêng các khu công nghiệp có 20 dự án; tại Khu công nghiệp Thạnh Lộc có 18 dự án; số lượng dự án ít chứng tỏ tỉnh Kiên Giang không chạy theo số lượng mà trong thu hút đầu tư cũng có sự chọn lọc và lựa chọn các dự án phù hợp với mục tiêu phát triển của tỉnh cũng như khai thác các thế mạnh cho phát triển, không gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên…

Kiên Giang đang thực hiện khá tốt việc quản lý tài nguyên và môi trường; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường cũng tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch cải thiện môi trường; việc kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường được thực hiện có hiệu quả.

Tỉnh cũng đang kêu gọi đầu tư các dự án xử lý rác thải, xử lý nước thải tại các khu đô thị lớn tại thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên, huyện Phú Quốc…

Trong việc phát triển kinh tế, các dự án nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của tỉnh cũng được kêu gọi ưu tiên đầu tư theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và bảo vệ môi trường sinh thái để đảm bảo phát triển bền vững.

Những tham mưu về mặt chính sách để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào Kiên Giang, đặc biệt là Phú Quốc

Trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang cũng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tổng hợp có hiệu quả để có thể dễ dàng thu hút đầu tư như: tổ chức thực hiện Chiến lược về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Phấn đấu cho đến năm 2030 đưa Kiên Giang trở thành một tỉnh mạnh về biển so với các tỉnh trong khu vực, hoàn chỉnh hạ tầng kinh tế biển, phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế – xã hội, hình thành văn hóa sinh thái biển; khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thái, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng hiện tại, thích ứng với việc biển đổi khí hậu và nước biển dâng; bên cạnh đó cũng tăng cường quốc phòng an ninh đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia vùng biển, đảo.

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, để phát huy lợi thế so sánh, giúp chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững…

Xác định hạ tầng là phải đi trước một bước, tỉnh cũng sẽ huy động các nguồn lực nhằm tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ và tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư cũng như sản xuất kinh doanh phát triển; đồng thời, tăng cường liên kết bà hợp tác phát triển với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với đó là hợp tác với các nước tiểu vùng Mê Kông.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng rà soát các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, môi trường… nhằm kiến nghị sửa đổi, bổ sung đồng bộ các bộ luật, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư và sản xuất kinh doanh; tiếp tục vận dụng lồng ghép có hiệu quả các chính sách về ưu đãi, hỗ trợ; kiến nghị Chính phủ ban hành những chính sách mới phù hợp hơn để tạo động lực cho tỉnh Kiên Giang phát triển.

Đặc biệt, Kiên Giang cũng vừa đề xuất Chính phủ cho thành lập thành phố Phú Quốc để Phú Quốc phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Nguồn: vietnamfinance.vn