PQR – Việt Nam vẫn đang nổi tiếng toàn cầu về mức độ an toàn thông qua các biện pháp phòng chống Covid-19 thành công và đây được xem là đòn bẩy giúp thị trường khách quốc tế sớm trở lại du lịch.

Ba giai đoạn của bất động sản nghỉ dưỡng sau Covid-19
Sau đại dịch, “sống vui sống khoẻ sống có ích” trở thành thành tố quan trọng.

Tại diễn đàn đầu tư BĐS: Rủi ro và cơ hội, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Ông Võ Tân Thành cho biết, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng đã và đang được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước hướng tới. Tiềm năng phát triển của BĐS nghỉ dưỡng của Việt Nam cũng còn rất lớn bởi việc tăng trưởng kinh tế cao và cảnh quan thiên nhiên vô cùng hấp dẫn.

Theo ông Thành, số lượng sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng trên cả nước hiện chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu căn hộ lưu trú cho các du khách quốc tế khi đến Việt Nam. Do đó, việc đầu tư vào loại hình này vẫn còn dư địa rất lớn. Ngoài ra, giá BĐS nghỉ dưỡng ở Việt Nam hiện cũng đang ở mức thấp so với các quốc gia có cùng tiềm năng về phát triển du lịch.

Đánh giá về sự phục hồi sau thời điểm đại dịch, ông Mauro Gasparotti – Giám Đốc Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương nhận định, thị trường du lịch trong nước sẽ quay trở lại giai đoạn đầu tiên của sự phục hồi. Sau quyết định về cách ly xã hội, phần lớn các khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam đều đóng cửa nhưng hầu hết vẫn đang ấp ủ kế hoạch mở cửa trở lại vào tháng 5 với các chương trình khuyến mãi để thu hút du khách trong nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh vẫn còn nhiều người e ngại việc di chuyển bằng máy bay thì các điểm đến có thể di chuyển bằng xe như Vũng Tàu, Hồ Tràm, Mũi Né, Hạ Long, Đà Lạt và Sapa hay bằng phà như Phú Quốc sẽ là lựa chọn hàng đầu trong ngắn hạn.

Giai đoạn phục hồi thứ hai sẽ là sự trở lại của khách du lịch nước ngoài khi lệnh cấm các chuyến bay được dỡ bỏ hẳn và các quốc gia kết nối được xem là diểm đến an toàn. Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ có thể là những quốc gia được ưu tiên mở lại trước do đây là những thị trường khách quốc tế chính của Việt Nam đồng thời đây cũng là những quốc gia có số ca nhiễm giảm đáng kể.

Các điểm đến như Bali và Thái Lan hiện cũng đang có ý định chào đón du khách Trung Quốc trở lại du lịch và nếu thành công, Việt Nam cũng có thể cân nhắc việc áp dụng các chính sách tương tự. Việt Nam chúng ta đã trở thành một trong những quốc gia nổi tiếng toàn cầu về mức độ an toàn thông qua các biện pháp phòng chống Covid-19 thành công và đây cũng được xem là đòn bẩy giúp thị trường khách quốc tế sớm trở lại.

Giai đoạn cuối cùng là khi đại dịch được hoàn toàn kiểm soát và ngành Du lịch toàn cầu được phục hồi trở lại về mức trước khi áp dụng các chính sách hạn chế du lịch bởi đại dịch Covid-19. Khi các hạn chế du lịch được dỡ bỏ hoàn toàn, ông Mauro Gasparotti cho rằng sẽ có hai tác động chính đó là sự thay đổi trong hành vi của khách du lịch và các tác động kéo dài của suy thoái nền kinh tế toàn cầu, cả hai yếu tố đều cần tiếp tục được chú trọng trong thời gian tới. Sự phục hồi ban đầu được dự kiến theo mô hình chữ V, điều này vốn đã phổ biến trong ngành.

Ba giai đoạn của bất động sản nghỉ dưỡng sau Covid-19
Các khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam đang tích cực hồi phục sau dịch.

“Khách sạn và du lịch đã diễn ra ở Việt Nam trước đó: Từ tháng 6 năm 2014 đến tháng 6 năm 2015 khách Trung Quốc và Nga đột ngột giảm nhưng cả hai đều đã nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên, do các ảnh hưởng của tác động kinh tế toàn cầu và diễn biến khó lường trước dịch Covid-19, chúng tôi dự đoán việc khôi phục hoàn toàn sẽ có thể diễn ra vào năm 2021”, ông nhận định.

Trong năm 2019, ngành Du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh, đạt kỷ lục mới về lượng khách quốc tế với 18 triệu lượt du khách và tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc thuộc hàng cao nhất khu vực. Thống kê đã cho thấy, bắt đầu từ 2017 – 2019, Việt Nam đều thuộc Top 10 quốc gia nhận được kiều hối lớn nhất thế giới. Vào năm 2019, kiều hối của Việt Nam đạt đến 16,7 tỷ USD. Con số này chắc chắn sẽ không chỉ như vậy trong thời gian tới và một phần không nhỏ trong số tiền khổng lồ kia cũng sẽ được đầu tư vào BĐS.

Chiến lược phát triển bền vững

Rõ ràng, khi thị trường có những biến động hoặc khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu thì đây vừa là thử thách, vừa là cơ hội cho các nhà đầu tư đối với thị trường nghỉ dưỡng.

Chủ sở hữu và các nhà điều hành khách sạn sẽ đối mặt với giai đoạn cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới, đòi hỏi sự sáng tạo, đổi mới để có thể quản lý và tạo ra nguồn doanh thu mới.

BĐS du lịch là loại hình kinh doanh dài hạn, không phải lướt sóng hay ngắn hạn. Do đó, chủ đầu tư và nhà đầu tư cần phải xác định rõ câu chuyện đi với nhau lâu dài.

Ba giai đoạn của bất động sản nghỉ dưỡng sau Covid-19
Nhiều chủ đầu tư BĐS nghỉ dưỡng đang tạo sự khác biệt rõ nét trên thị trường. Những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, hội tụ đa tiện ích vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư.

Đánh giá về thị trường hiện tại, theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – Ông Nguyễn Trần Nam, với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, cơ hội để thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng tăng trưởng là rất tiềm năng.

Nguồn: baoxaydung.com.vn