PQR – Những nỗi lo về việc dòng tiền đầu tư tập trung quá nhiều vào phân khúc BĐS nghỉ dưỡng có thể là không hợp lý nếu nhìn vào hạ tầng du lịch thiếu thốn hiện tại và dòng khách du lịch tăng trưởng lên tới gần 30% mỗi năm.

Tiềm năng rất lớn…

Chia sẻ thông tin với các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam lần thứ 6 tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam cho biết, thị trường BĐS Việt Nam nói chung vẫn trên đà phát triển tốt, nhu cầu thị trường lớn, trong khi môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện, thu hút mạnh nhà đầu tư trong và ngoài nước.

BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam không hề dư cung
BĐS nghỉ dưỡng đang có cơ hội phát triển rất lớn nhờ sự tăng trưởng cao của ngành du lịch

Riêng với thị trường BĐS, theo ông Nam, phân khúc nghỉ dưỡng đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn nhờ vào sự tăng trưởng cao của ngành du lịch và kinh tế – xã hội. Trong khoảng 4 năm trở lại đây, khách du lịch cũng như khách đến nghỉ dưỡng ngày càng tăng cao. Cụ thể, vào năm 2017, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 13 triệu lượt và dự kiến trong năm 2018 sẽ đạt 15 triệu lượt và đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên khoảng 18 triệu lượt khách.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2018, hầu hết thị trường khách du lịch từ các nước đến Việt Nam đều tăng, trong đó Hàn Quốc tăng 48,3%, Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 29,6%, Phần Lan tăng 33,3%, Đan Mạch tăng 16,4%, Trung Quốc tăng 28,8%, Đài Bắc (Trung Hoa) tăng 14,8%, Italia tăng 13,6%, Philippin tăng 13,4%, Thụy Điển tăng 13,7% và Malaisia tăng 12,6%, các nước châu Phi tuy số lượng khách không lớn, nhưng cũng tăng 19,7%.

BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam không hề dư cung
Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam 2018 tăng cao đột biến so với những năm trước chứng tỏ sức hút du lịch tại Việt Nam là hoàn toàn lớn

Không chỉ với du khách quốc tế, mà ngay cả với du khách nội địa cũng ngày càng tăng cao. Ước tính 10 tháng đầu năm 2018, khách du lịch nội địa đạt vào 67,9 triệu lượt khách, trong đó có 33,1 triệu lượt khách lưu trú. Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 505.000 tỷ đồng, tăng 20,99% so với cùng kỳ năm 2017.

“Khách du lịch không ngừng tăng cao dẫn đến số phòng nghỉ dưỡng sẽ ngày càng khan hiếm. Căn hộ Condotel hay biệt thự nghỉ dưỡng vẫn còn đang tranh cãi bởi nhiều vấn đề, nhưng các dự án này đã bù đắp một phần nào đó nguồn cung phòng lưu trú và đáp ứng được cho nhu cầu ngày càng cao tại Việt Nam”, ông Nam nói và cho biết, từ thị trường ngắn, trung và dài hạn, thì BĐS Việt Nam vẫn có nhu cầu lớn, thanh khoản tốt.

Dự báo, đà phát triển này sẽ còn tiếp tục và phát triển cho đến 30 – 50 năm nữa, nhưng để đạt được hiệu quả cao, nhà đầu tư cần phải chọn đúng vị trí, đúng dự án, đúng phân khúc mà thị trường đang cần.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Thức, Quản lý cấp cao tại CBRE Việt Nam cho biết, so với Phuket của Thái Lan, thị trường BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng chưa khai phá. Trong doanh số bán ra của các loại hình BĐS nghỉ dưỡng ở Phú Quốc đang được cải thiện khá tốt so với những năm trước đây.

BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam không hề dư cung
Phú Quốc được quy hoạch cơ sở hạ tầng và phát triển đồng bộ các tuyến đường giao thông tạo điều kiệu thuận lợi cho du khách khi ghé thăm

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện cũng đang là nước dẫn đầu về phát triển cơ sở hạ tầng. Việc mở rộng các sân bay quốc tế sẽ tạo cơ hội để đón lượng khách du lịch nhiều hơn nữa và đây chính là yếu tố đẩy thị trường BĐS nghỉ dưỡng phát triển.

“Nhiều người đa lo lắng về nguồn cung của thị trường BĐS nghỉ dưỡng hiện tại, nhưng tôi khẳng định rằng, vấn đề quan tâm nhất hiện nay là đầu tư sao cho hợp lý”, ông Thức nói.

Nguồn: vietnambiz.vn