PQR – Theo dự báo của Hội môi giới BĐS Việt Nam, nếu tháng 5, tháng 6 Việt Nam ngăn chặn thành công sự lây lan của dịch Covid-19 thì thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ có những động thái thức tỉnh và trở lại.

Lối đi nào cho BĐS nghỉ dưỡng sau dịch Covid-19?

Cơ hội vẫn còn rất lớn

Mặc dù còn những thách thức phía trước nhưng theo các chuyên gia trong ngành, cơ hôi cho BĐS du lịch còn rất lớn nhờ vào tốc độ tăng trưởng của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Mới đây, đại diện Savills Việt Nam nhận định, mặc dù tác động của đại dịch Covid-19 được dự báo có thể kéo dài đến cuối năm 2020, nhưng ngành dịch vụ du lịch và khách sạn là ngành đầu tiên có thể phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng.
Với lợi thế số lượng du khách đa số là khách trong nước (82,5% tổng lượng du khách năm 2019) và các thị trường nước ngoài lớn như Trung Quốc và Hàn Quốc, các nhóm khách này được dự đoán sẽ nhanh chóng du lịch trở lại sau khi đại dịch được kiểm soát.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, Việt Nam vẫn là điểm đến tuyệt vời của khách du lịch khi hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 11 tháng năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt gần 16,3 triệu lượt người, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khách quốc tế đến từ châu Á đạt gần 13 triệu lượt người, chiếm 79,6% tổng số khách quốc tế, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn tiếp tục được đánh giá cao trong con mắt của du khách quốc tế nhờ vào nền tảng chính trị ổn định cùng tiềm năng từ các kỳ quan thiên nhiên và lợi thế vùng biển kéo dài. Trong giai đoạn vừa qua, ngoài các thị trường nghỉ dưỡng truyền thống như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, trên bản đồ du lịch Việt Nam đã có thêm nhiều vùng đất mới nổi như Bình Định, Phan Thiết với làn sóng đầu tư ồ ạt vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khách sạn nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ du lịch.
Không thể phủ nhận Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút mạnh dòng khách du lịch, là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế cao nhất thế giới. Năm 2018 tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng (chiếm 8% GDP). Tính đến 11 tháng đầu năm 2019, tổng thu từ khách du lịch đạt 649.000 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2018. Cũng theo số liệu Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước tính đạt 12 tỷ USD, trong đó dịch vụ du lịch đạt 8,4 tỷ USD (chiếm 70,2% tổng kim ngạch), tăng 11%.
Lối đi nào cho BĐS nghỉ dưỡng sau dịch Covid-19?
Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam thì theo các chuyên gia, BĐS du lịch là loại hình có sự hồi phục nhanh nhất nhờ vào nhu cầu du lịch còn rất lớn. Trong đó, câu chuyện sắp tới sẽ là sự bùng nổ của những sản phẩm độc đáo kết hợp các xu hướng mới vào dự án trong tương lai. Những dự án tạo trải nghiệm trong thiết kế các sản phẩm sẽ được đặc biệt quan tâm trong thời gian tới
Theo dự báo của DKRA Vietnam, trong quý 2/2020 ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, nguồn cung mới biệt thự biển và condotel có thể sẽ lên đến khoảng 200 – 300 căn đối với biệt thự biển và khoảng 600 – 800 căn đối với condotel. Các dự án đa phần vẫn tập trung ở những thị trường quen thuộc như Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đà Nẵng.

Doanh nghiệp BĐS tiếp tục rót tiền vào BĐS nghỉ dưỡng

Theo ghi nhận, đánh giá được tiềm năng của phân khúc này, các chủ đầu tư tiếp tục chọn phân khúc BĐS nghỉ dưỡng để phát triển với định hướng lâu dài. Theo các doanh nghiệp, dịch bệnh diễn ra trong ngắn hạn, còn đầu tư BĐS là câu chuyện dài hơi, cần những định hướng đường dài.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, Ông Raymond Clement, Giám đốc điều hành Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, nhà đầu tư sẽ không vì dịch mà bớt quan tâm đến BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam. Mức độ quan tâm của họ vẫn giữ nguyên bởi đây là thị trường còn rất nhiều tiềm năng cho NĐT trong dài hạn.
Theo đơn vị này, trong những năm qua và thời gian tới sẽ còn nhiều tiềm năng để phát triển. Phân khúc này đang thu hút các nhà đẩu tư trong và ngoài nước bởi cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư nói chung đang được cải thiện tốt. Các nhà đầu tư sẽ thấy được sự nỗ lực trong việc cải thiện này và nhìn thấy tiềm năng cũng như cơ hội để có thể tiếp cận thị trường trong dài hạn.
Theo ông Raymond Clement, năm 2020 những nhà đầu tư quan tâm nhiều đến yếu tố lợi nhuận đầu tư, hiệu quả đầu tư. Còn những rủi ro họ đã lường được trước, đã có sự tính toán trước đó. Nếu so sánh với các TP lớn ở thị trường châu Á như Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Úc…Việt Nam đang được các nhà đầu tư đánh giá cao sức hút về yếu tố hấp dẫn hiệu suất đầu tư.
“Rõ ràng, khi thị trường có những biến động hoặc khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu thì đây vừa là thử thách, vừa là cơ hội cho các nhà đầu tư đối với thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Người nào có thể vượt qua được các thử thách khó khăn chắc chắn sẽ có biên lợi nhuận cao trong đầu tư”, đại diện Savills nhấn mạnh.
Nguồn: cafef.vn