PQR – Theo các chuyên gia, BĐS nghỉ dưỡng đang là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn, bởi sự đa dạng loại hình cũng như hiệu quả sinh lời cao.

Hiệu quả đầu tư BĐS nghỉ dưỡng

Tại Hội thảo “Dự báo thị trường BĐS nghỉ dưỡng năm 2020” vừa được tổ chức mới đây tại TP.HCM, Chuyên gia tài chính – TS Đinh Thế Hiển cho biết, khi đầu tư vào 1m2 BĐS du lịch sẽ mang lại giá trị gia tăng hơn hẳn các loại hình BĐS khác. Chỉ trong năm 2019, giá phòng bình quân tăng 2.8% ( phân khúc 4-5 sao); Chỉ số hiệu suất phòng khách sạn (Revpar) cũng tăng trung bình 8,9%; Công suất phòng tăng trung bình đến 8%/năm.

Theo vị chuyên gia này, trong vòng 3 năm qua, số lượng các resort có quản lý vận hành tiêu chuẩn tại khu vực ven biển Nha Trang, Phan Thiết, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc… có xu hướng tăng mạnh cả về giá và công suất, nên hiệu quả kinh doanh các loại hình BĐS nghỉ dưỡng khá cao.

Nên đầu tư vào loại hình BĐS nghỉ dưỡng nào trong năm 2020?
Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang là kênh đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Theo tính toán của T.S Đinh Thế Hiển, đơn giá trung bình cho phòng khách sạn khoảng 1,4 triệu đồng/ngày, công suất cho thuê đạt khoảng 60%. Chi phí vận hành trực tiếp cũng chỉ chiếm khoảng 22%, chi phí duy tu, bảo trì, quản lý chiếm khoảng 7%. Sau khi trừ các chi phí thì lợi tức của các phòng khách sạn này mang về khoảng 9,1%/năm, trung bình mỗi năm tăng 2-3%.

Lợi nhuận này đã có biến động lớn từ giá thuê và công suất. Tỷ suất lợi nhuận có thể dao động từ 5,4% – 13,7% tùy theo giá phòng cũng như công suất khai thác. Mặt khác, lợi nhuận còn có thể biến động lớn ngay từ chi phí đầu tư. Doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng ra sao cũng sẽ phụ thuộc vào vị trí, chất lượng thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành của dự án.

Khi so sánh với những kênh đầu tư khác, T.S Đinh Thế Hiển cho rằng BĐS nghỉ dưỡng có hiệu quả hơn. Chẳng hạn như vàng cũng chỉ tăng giá trong năm nay, nhưng xét bình quân thì trong 5 năm vừa qua, vàng tăng chưa đến 2%. Còn xét trong 3 năm gần đây chỉ tăng khoảng 4%.

Mua căn hộ, nhà phố cho thuê ví dụ như căn hộ hay nhà phố cho thuê ở TP.HCM hoặc Hà Nội thì mức sinh lời chỉ được khoảng 4%. Như vậy thì mức sinh lời của căn hộ nghỉ dưỡng vẫn cao hơn các kênh đầu tư khác như vàng hay USD…

Tuy nhiên, xét về tính thanh khoản thì vàng và USD lại có tính thanh khoản cao nhất sau đó mới đến BĐS. Vì vậy nếu đem ra so sánh thì các kênh đầu tư này đều có những ưu và nhược điểm riêng trong lợi nhuận, thế nhưng xét cho cùng thì người mua BĐS nghỉ dưỡng với mức sinh lời như trên cũng là đủ hấp dẫn so với các kênh khác.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín cũng cho rằng, BĐS nghỉ dưỡng hiện vẫn đang là kênh đầu tư vô cùng hấp dẫn, được ưa chuộng và có lợi thế hơn hẳn so với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán hay gửi tiết kiệm. Theo số liệu thống kê thì trong hơn 20 năm vừa qua, trung bình giá vàng chỉ tăng 8,65%/năm trong khi mức độ rủi ro là rất lớn. Mặt khác, cũng theo số liệu thống kê thì có trên 95% nhà đầu tư vàng kể cả chuyên nghiệp hay nghiệp dư đều gặp thất bại kể cả trong nước hay nước ngoài.

Về chứng khoán thì thị trường chứng khoán vừa qua cũng lên xuống bất thường, gần 6 tháng qua chỉ rơi vào khoảng 950 -1.000 điểm, cho nên khi đầu tư thì tỷ suất sinh lời cũng sẽ không cao. Còn đối với việc gửi tiết kiệm thì đây cũng là 1 kênh đầu tư tốt so với chứng khoán và đầu tư vàng. Thông thường lãi suất trung bình nếu gửi tiết kiệm 12 tháng là khoảng 8%, trừ lạm phát 3% thì ta sẽ được lợi 5%. Tuy nhiên đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng so với các loại hình đầu tư trên hiện vẫn là tốt nhất.

Nguồn: cafef.vn