PQR – Nhiều loại hình BĐS nghỉ dưỡng như condotel đang đứng trước cơ hội trở lại thời kì hoàng kim khi khuôn khổ pháp lý đã được hoàn thiện với thời hạn sở hữu từ 50 – 70 năm, theo văn bản hướng dẫn cụ thể mới đây từ Bộ Tài Nguyên và Môi trường.

Xóa bỏ rào cản tâm lý

Theo nhiều chuyên gia BĐS, vấn đề thời hạn sở hữu 50 – 70 năm của condotel có thể khiến thị trường gặp đôi chút “băn khoăn” trong thời gian đầu, nhất là với tâm lý ưa sử dụng đất lâu dài của người dân Việt Nam. Nhưng trong dài hạn, nhà đầu tư sẽ có thể nhận ra chất lượng sản phẩm, tiềm năng phát triển của dự án cũng như những vấn đề lợi nhuận mới là những yếu tố then chốt có thể ảnh hưởng tới quyết định đầu tư.

Trên thực tế, loại hình BĐS có thời hạn từ lâu cũng đã trở thành phương thức kinh doanh được ưa chuộng tại các thị trường lớn trên thế giới. Theo CBRE, có tới hơn 70 trên tổng số 220 quốc gia quy định căn hộ để bán có thời hạn, không có loại hình nào được sở hữu vĩnh viễn.

Thêm “bệ đỡ” pháp lý, BĐS nghỉ dưỡng tăng sức hút với nhà đầu tư
Được tháo gỡ pháp lý, bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục khẳng định là kênh đầu tư hấp dẫn

Tại Việt Nam, trong bối cảnh nguồn cung BĐS sở hữu lâu dài không đáp ứng đủ nhu cầu, các sản phẩm BĐS có thời hạn sở hữu 50 – 70 năm đến từ phân khúc nghỉ dưỡng như condotel, officetel, shophouse… cũng đang trở thành xu thế tất yếu.

Theo GS. Đặng Hùng Võ thì ưu điểm của chế độ sử dụng đất có thời hạn là sẽ làm cho người sử dụng đất đai có trách nhiệm hơn, luôn muốn sử dụng triệt để trong thời hạn mà mình đã bỏ tiền ra, tránh được các hiện tượng đầu cơ và tích trữ nguồn lực tài chính vào đất đai.

Khi Bộ Tài Nguyên và Môi trường quyết định ban hành văn bản hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và chứng nhận quyền sở hữu cho condotel thì về cơ bản những vấn đề pháp lý quan trọng nhất của dòng sản phẩm này cũng đã được thống nhất.

Hướng vào chất lượng

Điểm sáng quan trọng trong bức tranh tương lai của condotel cũng đến từ sự hỗ trợ đắc lực của một trong những thị trường du lịch phát triển nhanh nhất trên thế giới. Đây chính là nền móng vững chắc để các nhà đầu tư có thể yên tâm gửi gắm hầu bao vào các dự án nghỉ dưỡng được đầu tư quy mô và đồng bộ.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2019 ngành du lịch Việt Nam đã đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm trước đó. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp cùng những sản phẩm du lịch mới mẻ, ấn tượng cũng chính là yếu tố gia tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến và thu hút du khách quay trở lại, thay vì chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên như thời gian trước đây.

Tiếp theo đà tăng trưởng của ngành du lịch, nhu cầu đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cũng đang tăng lên, không chỉ mở rộng quy mô, gia tăng số lượng đa dạng loại hình mà còn phải tăng cường chất lượng và đẳng cấp. Theo đó, đến năm 2025, cả nước cần có 950.000 đến 1.050.000 buồng lưu trú cho du lịch. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn từ 2020 – 2025 bình quân từ 8,2 – 8,5%.

Đánh giá về tiềm năng sinh lời trong tương lai của BĐS nghỉ dưỡng, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, hầu hết các sản phẩm này đều thuộc phân khúc hạng sang hoặc thuộc mức cao của trung cấp. Tức là chi phí đầu tư cao, nhưng bù lại thì tỷ lệ lấp đầy các sản phẩm cũng rất tốt.

Các sản phẩm như condotel thì thuê theo ngày và mức giá ở các mùa cao điểm, cuối tuần… cũng được điều chỉnh rất linh hoạt. Nếu có thêm đơn vị quản lý chuyên nghiệp, mức giá cho thuê có thể sẽ cao hơn 10 – 15% và do đó, nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận chi phí cao hơn vì lợi nhuận thường sẽ tốt hơn cho thuê căn hộ truyền thống.

Một số chuyên gia BĐS nhìn nhận, giai đoạn sắp tới có thể là “thời điểm vàng” cho nhu cầu đầu tư, bởi đây chính là lúc doanh nghiệp có thể sẽ đưa ra những chính sách tốt nhất để hâm nóng thị trường. Nhà đầu tư nên xem xét “chọn mặt gửi vàng” những chủ đầu tư uy tín và có kinh nghiệm vận hành thành công trong mảng du lịch nghỉ dưỡng để tìm ra những dự án phù hợp nhất với nhu cầu cũng như tiềm năng sinh lợi mà mình hướng đến.

Nguồn: dautubds.baodautu.vn