PQR – Do Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, cho nên thị trường bất động sản cũng đang phục hồi. Dự kiến sẽ có một làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam.

Bất động sản nghỉ dưỡng đang phục hồi?

Báo cáo từ Savills Châu Á Thái Bình Dương và JLL cho thấy, mặc dù ngành bất động sản (BĐS) đang chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng do Việt Nam đang kiểm soát dịch bệnh nằm trong top thế giới, cho nên thị trường BĐS sẽ có thể phục hồi nhanh chóng.

Các chuyên gia dự báo, thời gian tới, ngay khi dịch kết thúc, sẽ có mộ luồng khách du lịch và làn sóng đầu tư từ thương nhân Việt kiều và người nước ngoài vào bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Đây chính là cơ hội mua cho những nhà đầu tư giàu tiềm lực tài chính, bởi không lúc nào tốt hơn để tiếp cận nguồn cung dồi dào với giá bán hấp dẫn, nhất là thị trường nghỉ dưỡng, như thời điểm này.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ ra sao sau mùa dịch?
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có thể phục hồi nhanh chóng

Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương – Mauro Gasparotti cho rằng, thời gian đầu, nhu cầu du lịch trong nước sẽ là thị trường chính. Các khách sạn và resort sẽ cần điều chỉnh lại chính sách giá cũng như các ưu đãi để đón đầu. Việt Nam sẽ trải qua quá trình tương tự như Trung Quốc sau khi đại dịch được kìm hãm, theo đó thị trường ở Trung Quốc chỉ mất khoảng sáu tuần để công suất trở lại mức 30% và điều này phụ thuộc hoàn toàn vào khách du lịch nội địa, đặc biệt là nhóm du khách trẻ. Trong số tất cả các phân khúc, khách sạn ngân sách thấp được ghi nhận mức công suất tăng nhanh hơn so với những khách sạn có định vị cao hơn.

Chủ sở hữu và các nhà điều hành khách sạn cũng sẽ đối mặt với giai đoạn cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới, đòi hỏi sự sáng tạo và đổi mới để có thể quản lý và tạo ra nguồn doanh thu mới. Các dịch vụ lưu trú và nhà hàng cần phát triển các chiến lược tiếp thị, quảng bá sáng tạo và ý nghĩa hơn trong khi các tổ chức tài chính và chủ sở hữu BĐS cũng cần tích cực làm việc với chủ đầu tư để tìm ra giải pháp cùng có lợi nhằm góp phần xây dựng và hỗ trợ quá trình phục hồi.

Tiếp theo sẽ là sự trở lại của du khách nước ngoài khi lệnh cấm các chuyến bay được dỡ bỏ và các quốc gia kết nối được xem là an toàn. Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ có thể là những quốc gia được ưu tiên mở lại trước do đây là những thị trường khách quốc tế chính của Việt Nam và đồng thời cũng là những quốc gia có số ca nhiễm giảm đáng kể. Mặt khác, ngay cả khi đại dịch được kiểm soát, do có những tác động từ việc kéo dài của suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng ảnh hưởng đến hành vi của khách du lịch, cho nên việc phục hồi hoàn toàn chỉ có thể diễn ra vào năm 2021.

Thị trường vẫn tiềm năng

Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận nghiên cứu – tư vấn Savills Tp.HCM dự báo, các nước châu Á dự kiến sẽ phục hồi nhanh hơn sau dịch bệnh so với các khu vực khác, điều này có ý nghĩa tích cực đối với thị trường khách sạn trong nước với sự đóng góp chủ yếu từ thị trường châu Á. Đến sau năm 2020 tình hình du lịch dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại, đặc biệt là từ lượng khách trong nước.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành, Việt Nam vẫn là điểm đến tuyệt vời của khách du lịch khi hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi. Trong giai đoạn vừa qua, ngoài các thị trường nghỉ dưỡng truyền thống như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, trên bản đồ du lịch Việt Nam đã có thêm nhiều vùng đất mới nổi như Bình Định, Phan Thiết với làn sóng đầu tư ồ ạt vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khách sạn nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ du lịch.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ ra sao sau mùa dịch?
Bất động sản du lịch là loại hình có sự hồi phục nhanh nhất nhờ vào nhu cầu du lịch còn rất lớn.

Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút mạnh dòng khách du lịch, là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế cao nhất thế giới. Năm 2018 tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng (chiếm 8% GDP). Tính đến 11 tháng đầu năm 2019, tổng thu từ khách du lịch đạt 649.000 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2018. Cũng theo số liệu Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước tính đạt 12 tỷ USD, trong đó dịch vụ du lịch đạt 8,4 tỷ USD (chiếm 70,2% tổng kim ngạch), tăng 11%.

Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam thì BĐS du lịch là loại hình có sự hồi phục nhanh nhất nhờ vào nhu cầu du lịch còn rất lớn. Trong đó, câu chuyện sắp tới sẽ là sự bùng nổ của những sản phẩm độc đáo kết hợp các xu hướng mới vào dự án trong tương lai. Những dự án tạo trải nghiệm trong thiết kế các sản phẩm sẽ được đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.

Theo dự báo của Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam đơn vị cung cấp giải pháp trong lĩnh vực BĐS, trong quý 2/2020 ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, nguồn cung mới biệt thự biển và condotel có thể sẽ lên đến khoảng 200 – 300 căn đối với biệt thự biển và khoảng 600 – 800 căn đối với condotel. Các dự án đa phần vẫn tập trung ở những thị trường quen thuộc như Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đà Nẵng.

Cơ hội cho các nhà đầu tư?

Nhiều nhà đầu tư khi đánh giá tiềm năng của các loại hình BĐS đã tiếp tục chọn phân khúc nghỉ dưỡng để phát triển với định hướng lâu dài. Bởi dịch bệnh diễn ra trong ngắn hạn, còn đầu tư BĐS là câu chuyện dài hơi, cần những định hướng đường dài.

Minh chứng, khá nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn đổ dòng tiền vào phân khúc này như, chiến lược năm 2019 và 2020 của Novaland là tập trung phát triển BĐS nghỉ dưỡng và du lịch, tại những nơi có tiềm năng du lịch lớn: Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phan Thiết (Bình Thuận), Ninh Thuận, Cam Ranh (Khánh Hòa), Đà Lạt…

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ ra sao sau mùa dịch?
Nhiều nhà đầu tư đã tiếp tục chọn phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng để phát triển với định hướng lâu dài

Ông Raymond Clement, Giám đốc điều hành Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, nhà đầu tư sẽ không vì dịch mà bớt quan tâm đến BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam. Mức độ quan tâm của họ vẫn giữ nguyên bởi đây là thị trường còn rất nhiều tiềm năng cho nhà đầu tư trong dài hạn.

Phân khúc này đang thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư đang được cải thiện tốt. Các nhà đầu tư thấy được sự nỗ lực trong việc cải thiện này và nhìn thấy được tiềm năng cũng như cơ hội để tiếp cận thị trường trong dài hạn. Nếu so sánh với các TP lớn ở thị trường châu Á như Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Úc…Việt Nam đang được các nhà đầu tư đánh giá cao sức hút về yếu tố hấp dẫn hiệu suất đầu tư.

Các chuyên gia cho rằng, khi thị trường có những biến động hoặc khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu thì đây vừa là thử thách, vừa là cơ hội cho các nhà đầu tư đối với thị trường BĐS nghỉ dưỡng. PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, khi dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam tăng mạnh đồng nghĩa thị trường BĐS tại Việt Nam sẽ nóng lên nhanh chóng thời gian tới.

Nguồn: congluan.vn