PQR – Đình Thần Nguyễn Trung Trực xây dựng từ năm 1882, nằm bên bờ sông hiền hòa ở phía Bắc Đảo Phú Quốc, cách cửa biển khoảng hơn 100m, chỉ với vị trí tọa lạc, ngôi đình đã đủ sức thu hút bao bước chân thích khám phá vùng đất phương Nam.

Đình thần Nguyễn Trung Trực - Phú Quốc
Nguyễn Trung Trực là vị thần trong lòng người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Đình thần Nguyễn Trung Trực - Phú Quốc

https://youtu.be/vQsf2-AjNjw

Nguyễn Trung Trực sinh năm 1839 tại tỉnh Long An nhưng sự nghiệp chống giặc ngoại xâm lẫy lừng khiến ông trở thành vị thần trong lòng người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Đình thần Nguyễn Trung Trực - Phú Quốc
Ngôi đền thờ ông Nguyễn Trung Trực nằm tại Đảo Phú Quốc – Kiên Giang

Ông bị quân Pháp hành hình tại Rạch Giá năm 1868 nên người dân địa phương đã đưa bài vị của ông về thờ tại ngôi đền nguyên trước đó là nơi thờ vị Nam hải đại tướng quân, tức cá ông chuyên cứu ghe thuyền gặp nạn ngoài khơi.

Đình Nguyễn Trung Trực
Ông là một trong những vị anh hùng của dân tộc Việt Nam

Tuy ngắn ngủi nhưng cuộc đời Nguyễn Trung Trực đã hóa thành những trang sử chói lọi trong lịch sử dân tộc cũng như trong truyền thuyết Việt Nam.  Đến với Di tích Mộ và đình Nguyễn Trung Trực, du khách không chỉ cảm nhận được không gian thanh tịnh, cảm giác tôn nghiêm, thành kính… mà còn được thắp lên ngọn lửa tự hào từ cuộc đời chiến đấu anh dũng của vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Đình thần Nguyễn Trung Trực - Phú QuốcVừa tới cổng chính đình thần, bạn sẽ bắt gặp câu đối nổi tiếng của nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt được đắp nổi ở trên cột: Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa, Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần. Hai câu đối nhắc lại hai chiến công hiển hách của nghĩa quân do Nguyễn Trung Trực lãnh đạo đã đốt cháy tàu chiến của Pháp trên sông Nhựt Tảo (Long An) và trận chiếm đồn Kiên Giang làm cho bọn thực dân Pháp “hồn siêu phách lạc”.

Đình thần Nguyễn Trung Trực - Phú Quốc
Ông được dựng đền thờ bởi sự ngưỡng mộ và kính trọng của nhân dân dành cho mình

Có lẽ không nơi đâu đặc biệt như những ngôi đình thờ Nguyễn Trung Trực. Với người dân miền Tây thì ông Nguyễn chính là vị thần và việc dựng “đình thần Nguyễn Trung Trực” đã minh chứng cho sự ngưỡng mộ và kính trọng của nhân dân với vị anh hùng dân tộc, hi sinh cho sự nghiệp chống ngoại bang. Cùng với các lãnh tụ khác trong phong trào khởi nghĩa chống Pháp, ông Nguyễn đã ghi một dấu son chói lọi vào lịch sử hào hùng của dân tộc bằng câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.

Đình thần Nguyễn Trung Trực - Phú QuốcKỷ niệm ngày mất ông Nguyễn đã trở thành một hoạt động văn hóa có tính truyền thống từ hơn 100 năm nay ở Rạch Giá. Chính giỗ chỉ trong hai ngày, nhưng từ trước đó hàng ngàn người khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã về đây để chung tay góp sức sửa sang, quét dọn đình thần, nhiệt tình tham gia các công việc cho đến khi chu tất mới trở về nhà.

Đình Nguyễn Trung Trực
Lễ giỗ Nguyễn Trung Trực hàng năm thu hút người dân các tỉnh miền Tây đến tham dự

Cứ vào trung tuần tháng 8 âm lịch hằng năm, đoàn người từ các tỉnh bạn như An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Long An… tấp nập đổ về Rạch Giá để dự lễ giỗ Nguyễn Trung Trực. Người ta tôn kính gọi là đi “cúng đình”. Dù bận bịu đến đâu thì bà con cũng thu xếp để về cho kịp ngày cúng đình chính thức vào các ngày 27 và 29 tháng 8 âm lịch. Bà con lưu truyền hai câu thơ lục bát:

“Dù ai buôn bán gần xa, Ngày giỗ cụ Nguyễn thì ta nhớ về.”