Vành đai 3 dài 76 km, đi qua 4 tỉnh, thành, tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng là công trình giao thông lớn nhất phía Nam sẽ được khởi công trong tháng 6.
Vành đai 3 đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, giai đoạn một dài hơn 76 km, quy mô 4 làn cao tốc cùng đường song hành. Dự án chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện hai dự án, gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp.
Tại đoạn kết nối với cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, trên Vành đai 3 sẽ được xây thêm một cầu vượt ngang và 4 nhánh rẽ để liên thông giữa hai tuyến đường.
Phối cảnh phần đường phía dưới của tuyến vành đai.
Theo kế hoạch, đoạn Vành đai 3 trên địa bàn TP HCM dài hơn 47 km sẽ khởi công ngày 18/6. Các địa phương còn lại dự tính khởi công dự án trên địa bàn từ ngày 26 đến 30/6.
Vành đai 3 là dự án kết nối 5 tuyến cao tốc hướng tâm, gồm: TP HCM – Trung Lương, TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, TP HCM – Mộc Bài và TP HCM – Chơn Thành, tạo liên kết cho cả vùng.
Tại TP HCM, dự án có gần 13 km đi trên cao, từ nút giao cao tốc Long Thành – Dầu Giây đến Tân Vạn. Thiết kế này nhằm phù hợp địa hình, giảm chi phí bồi thường.
Dự án có 6 nút giao lớn, kết nối cao tốc Bến Lức – Long Thành, Long Thành – Dầu Giây, Tân Vạn, TP HCM – Trung Lương, Bình Chuẩn và Tỉnh lộ 10.
Tại Long An, địa phương có đoạn Vành đai 3 đi qua ngắn nhất gần 7 km thuộc huyện Bến Lức cũng đang hoàn thiện các hồ sơ để khởi công dự án trong tháng 6.
Đoạn Vành đai 3 trên địa bàn Bình Dương dài gần 11 km, qua TP Dĩ An, Thủ Dầu Một và Thuận An, đang được địa phương triển khai chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân. Dự kiến tỉnh sẽ khởi công dự án trước 30/6, tại hai vị trí đã có mặt bằng bao gồm nút giao Bình Chuẩn và cầu Bình Gửi.
Tại nút giao Tân Vạn, Bình Dương, giai đoạn một sẽ đầu tư hoàn chỉnh với quy mô gồm: cầu vượt theo hướng Vành đai 3 băng qua nút giao cùng các nhánh rẽ trái từ tuyến vành đai xuống quốc lộ 1, nhánh theo hướng từ Bình Chuẩn đi cầu Đồng Nai.
Tại Đồng Nai, dự án Vành đai 3 dài hơn 11 km với điểm đầu ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, điểm cuối tại cầu Nhơn Trạch nối qua TP Thủ Đức (TP HCM) với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h.
Một vòng xoay, cầu vượt kết nối Vành đai 3 với đường tỉnh 25C tại huyện Nhơn Trạch.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Đồng Nai, địa phương đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải cố gắng khởi công dự án vào cuối tháng 6 tới theo đúng kế hoạch.
Vành đai 3 và đường song hành qua sông Rạch Chay, huyện Nhơn Trạch.
Đường song hành được xây dựng dọc tuyến Vành đai 3 với tổng chiều dài 11,2 km, bao gồm hai cầu vượt sông Rạch Chay. Khi hoàn thiện, đường rộng 74,5 m, vận tốc thiết kế là 60 km/h.
Phối cảnh cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai với tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng. Đây là cây cầu lớn nhất đường vành đai, thuộc thành phần dự án 1A, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch.
Toàn tuyến Vành đai 3, giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành năm 2026, mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại cũng như chi phí logistics. Công trình cũng được kỳ vọng tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Vùng trọng điểm phía Nam.
Toàn tuyến Vành đai 3 TP HCM