PQR – Theo GS. Đặng Hùng Võ, thị trường BĐS năm 2016 – 2018 đã có sự phát triển tốt, với nguồn cung và cầu tương đối cân đối. Đặc biệt năm 2019, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường BĐS sẽ tiếp tục phát triển tốt, chưa thể xảy ra bong bóng.

Lạc quan triển vọng thị trường BĐS năm 2019

Thị trường năm 2018 đã khá vững vàng

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tiếp tục được ổn định, ngành xây dựng và thị trường BĐS tiếp tục bám đà phát triển.

Đánh giá của một số chuyên gia cho thấy, qua một năm tình hình kinh tế, chính trị thế giới trong nước biến động nhưng ngành xây dựng, BĐS vẫn có bước tăng trưởng đáng kể.

Nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng và BĐS triển khai các dự án lớn – nhỏ trên toàn quốc. Ngành vật liệu xây dựng cũng có sự tăng trưởng rất tốt, với sản lượng gạch ceramic đứng thứ hai toàn thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Nguồn vốn cho thị trường BĐS được siết chặt, hàng tồn kho đã giảm đáng kể, nhưng còn hơn 20.000 căn hộ trên toàn quốc, do các doanh nghiệp tiếp tục tìm các nguồn vốn khác để thay thế như IPO, phát hành trái phiếu, hoạt động mua bán và sáp nhập… Thêm nữa, vốn đầu tư nước ngoài đổ mạnh vào BĐS, đứng thứ hai trong các ngành nghề đầu tư vào Việt Nam, đạt 6,6 tỷ USD.

Lạc quan triển vọng thị trường BĐS năm 2019

 

Bên cạnh những thuận lợi đó, nhiều chuyên gia cũng đánh giá thị trường xây dựng BĐS cũng sẽ gặp không ít thách thức khó khăn khi thủ tục hành chính để có thể triển khai được một dự án đầu tư xây dựng lên tới 3 – 5 năm. Việc chấp thuận chủ trương đầu tư vẫn còn chậm và nhiều dự án BĐS cũng đang “đắp chiếu” mà chưa thể thu hồi. Trong ngành vật liệu xây dựng, nguy cơ dư thừa xi măng và sắt thép đang hiện hữu vì vậy cũng khó có cơ hội xuất khẩu được.

Đặc biệt, vốn cho lĩnh vực BĐS đang được Ngân hàng Nhà nước siết chặt khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư dở dang và khách hàng cũng khó có cơ hội để có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng này.

Đồng thời, việc dự thảo Luật Hành chính kinh tế đặc biệt chưa được Quốc hội thông qua đã khiến thị trường BĐS tại Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn có nhiều xáo trộn.

Ngoài ra, còn có hiện tượng sốt đất nền cục bộ tại Hà Nội, TP. HCM và một số tỉnh lân cận hai thành phố lớn này, khiến nhiều người lo ngại chu kỳ 10 năm khủng hoảng BĐS đang quay trở lại.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, Bộ Xây dựng, các bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương đã dập tắt được các cơn sốt đất cục bộ cũng như lập lại trật tự tại các địa phương.

Lạc quan triển vọng thị trường BĐS năm 2019

Năm 2019, Chính phủ vẫn đặt mục tiêu kinh tế vĩ mô GDP sẽ đạt 6,8 – 7%. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng cao sẽ tạo đà để ngành xây dựng và BĐS tiếp tục phát triển trong năm tới. Đây cũng là cơ sở để các chuyên gia, các doanh nghiệp kỳ vọng và lạc quan hơn về thị trường BĐS năm 2019.

Nhiều chuyên gia đã kiến nghị lên Bộ Xây dựng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính cũng như cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh để đẩy nhanh thời gian triển khai dự án và sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Bên cạnh đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp ngành xây dựng, đặc biệt là doanh nghiệp thi công, sản xuất vật liệu xây dựng và phát triển BĐS.

Thị trường 2019 trở nên lạc quan

Dự báo về thị trường BĐS năm 2019, một số doanh nghiệp tại TP. HCM đánh giá thị trường chung cư năm tới sẽ vẫn tiếp tục phát triển tốt và phân khúc bình dân dành cho đại đa số người thu nhập thấp sẽ dẫn dắt thị trường.

Nguồn cung sẽ được tung ra theo kế hoạch, chiến lược của các doanh nghiệp là không nên dư cung và giá cả tiếp tục ổn định. Tình trạng đầu cơ đã giảm rõ rệt và chủ yếu là khách hàng có nhu cầu thực.

Lạc quan triển vọng thị trường BĐS năm 2019

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cũng nhận định rằng thị trường BĐS có xu hướng tăng chậm lại so với tăng trung bình, mặc dù nhu cầu và sức thanh toán có nhưng do ngân hàng có sự cơ cấu lại.

Cũng theo ông Nam, các dự án ở nhiều thành phố lớn ít đi do việc “siết” tín dụng thì quy trình bên cạnh đó thì thủ tục cũng ngày càng “siết” hơn và quỹ đất ngày càng trở nên khan hiếm… Do đó vào năm 2019 hay thậm chí là 2 năm sau nữa cũng không xảy ra bong bóng.

Về thị trường BĐS nghỉ dưỡng năm 2019, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng năm 2018 lượng căn hộ khách sạn nghỉ dưỡng hấp thụ kém nhưng với sự phát triển của du lịch, năm sau luôn tăng cao hơn năm trước, nhất là vào năm 2018 đón được 15 triệu khách du lịch nước ngoài, thì đến năm 2019 nguồn cung vẫn chưa đủ.

Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), nhận định rằng trên cơ sở đánh giá và dự báo các yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn đến thị trường BĐS, có thể nói thị trường BĐS năm2019 sẽ tiếp tục phát triển ổn định và không có nguy cơ xảy ra bong bóng BĐS.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, thị trường có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tình trạng sốt nóng cục bộ tại một số dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín cùng giá cả phù hợp.

Như vậy, chúng ta cũng hoàn toàn có niềm tin với sự điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, thời gian tới thị trường BĐS vẫn sẽ phát triển một cách bền vững, ổn định và sẽ không xảy ra khủng hoảng theo chu kỳ mà dư luận vẫn lo lắng.

Nguồn: cafef.vn